Hãy vì mục tiêu một nền bóng đá phát triển
Những bước chuyển tích cực
Trong nhiệm kỳ 7 (2014-2018), VFF đã có những thành công nhất định. Dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ và tạo điều kiện của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục - Thể thao và sự điều hành của Ban thường vụ Liên đoàn, bóng đá Việt Nam đã có những khởi sắc trong công tác đào tạo bóng đá trẻ với thành tích mang ý nghĩa lịch sử của các đội tuyển: U19 Việt Nam, đội tuyển Futsal (bóng đá trong nhà) và nhất là thành tích của đội tuyển U23 Việt Nam tại vòng chung kết Giải vô địch bóng đá U23 châu Á (AFC U23). Năm 2016, đội U19 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn lần đầu tiên vào tới vòng bán kết châu Á và giành vé dự World Cup U20 năm 2017. Cùng năm ấy, đội tuyển Futsal bất ngờ thắng cả đương kim vô địch Nhật Bản để đạt được thành tích tương tự là vào bán kết châu Á và giành vé tham dự World Cup Futsal. Đỉnh cao của bóng đá nước nhà chính là thành tích Á quân của đội tuyển U23 tại vòng chung kết Giải vô địch bóng đá U23 châu Á 2018. Thắng lợi này đã trở thành niềm tự hào dân tộc, khơi dậy nguồn cảm hứng cho cả đất nước và có tác dụng cổ vũ lớn lao đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, việc đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành Huy chương vàng tại SEA Games 29 năm 2017 cũng rất đáng ghi nhận, giải “cơn khát” tám năm chờ đợi của người hâm mộ. Có thể khẳng định, nguyên nhân làm nên những thành tích ấy trước hết đến từ sự chăm lo của VFF dành cho các đội tuyển, từ công tác chuẩn bị về lực lượng, tới kế hoạch tập huấn chu đáo, trên cơ sở tận dụng hiệu quả các mối quan hệ hợp tác quốc tế.
Một điều đáng ghi nhận nữa trong nhiệm kỳ qua của VFF, đó là sự tiến bộ vượt bậc ở lĩnh vực bóng đá trẻ nhờ sự quan tâm nhiều hơn của các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp: Hà Nội FC, Hoàng Anh Gia Lai, Sông Lam Nghệ An, SHB Đà Nẵng... cũng như một số trung tâm đào tạo như: PVF, Viettel, Sông Lam Nghệ An... Đây cũng là nền tảng quan trọng tạo nên những đội tuyển lứa tuổi từ U15 tới U23 mạnh mẽ và triển vọng. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ vừa qua, VFF cũng đã nỗ lực cải tiến thể thức thi đấu của các giải trẻ toàn quốc theo hướng tăng số trận đấu, đồng thời thường xuyên khuyến khích các câu lạc bộ quan tâm hơn tới công tác đào tạo bóng đá trẻ.
Trong hợp tác quốc tế, bóng đá Việt Nam tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) cũng như các liên đoàn bóng đá quốc tế của châu Á và Đông - Nam Á thông qua chương trình hỗ trợ tài chính và chương trình mục tiêu hay chương trình Tầm nhìn châu Á. Đáng chú ý là việc tăng cường các mối quan hệ song phương giữa VFF với các liên đoàn bóng đá quốc gia của các nền bóng đá mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... Nhờ đó, VFF có thể gửi các đội tuyển hay các cầu thủ “xuất ngoại” tập huấn và thi đấu với sự hỗ trợ lớn của các nước bạn…
Cần cùng nhìn về một hướng
Có thể nói tạo nên một bức tranh tổng quan bóng đá Việt Nam 2017 đã có nhiều gam mầu tươi sáng hơn so với các nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít vấn đề bất cập. Ngoài những mâu thuẫn nội bộ đang xảy ra khá gay gắt trước thềm Đại hội VFF khóa 8 thời gian gần đây, công tác tài chính và tài trợ còn chưa hiệu quả như mong đợi; việc định hướng, giám sát hoạt động của hệ thống bóng đá chuyên nghiệp (thông qua Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vẫn chưa thật sát sao.
Sự việc hai Phó Chủ tịch của VFF khóa 7 (Đoàn Nguyên Đức và Nguyễn Xuân Gụ) liên tiếp có những chỉ trích chung quanh công tác tổ chức Đại hội VFF khóa 8 cũng như thực tiễn phối hợp hoạt động của đội ngũ lãnh đạo tổ chức này, đã khiến công luận tốn nhiều giấy mực. Nhưng cũng qua đó, dư luận có thể thấy rõ hơn nhiều vấn đề tồn tại đã tác động tiêu cực đến sự phát triển của bóng đá nước nhà bấy lâu nay. Đó là những mâu thuẫn giữa các lãnh đạo VFF khóa 7 chưa được xử lý triệt để sau các khẩu hiệu và câu nói cửa miệng về sự đổi mới bóng đá Việt Nam trên con đường chuyên nghiệp hóa. Nó chỉ tạm lắng ở bề ngoài, song mâu thuẫn vẫn âm ỉ, để rồi bùng phát ở giai đoạn cuối khi những người làm bóng đá đang chuẩn bị cho một kỳ đại hội khóa mới.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong vụ việc trên, những người liên quan đã không hành xử vì cái chung, vì quyền lợi của bóng đá Việt Nam như họ tuyên bố. Mâu thuẫn nội bộ (nếu không nói là mất đoàn kết) là điểm yếu lớn nhất của Ban chấp hành VFF nhiệm kỳ 7, gây ảnh hưởng xấu về hình ảnh của tổ chức này trước công chúng cũng như các đối tác. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến không ít nhà tài trợ cảm thấy chán nản với VFF và bỏ dở một số dự án phối hợp, hỗ trợ cho các giải bóng đá chuyên nghiệp thời gian qua.
Dự kiến, Đại hội VFF khóa 8 sẽ được tổ chức vào nửa cuối tháng 4 tới, muộn hơn hai tuần so với dự kiến nhưng vẫn còn đó không ít những băn khoăn. Vấn đề đầu tiên là, liệu bộ máy VFF nhiệm kỳ tới có thật sự đủ tâm và tầm. Thứ hai, liệu ban lãnh đạo VFF khóa mới có thật sự đoàn kết, cùng nhìn về một hướng, vì cái chung chứ không phải chỉ đoàn kết “bề ngoài”, nhưng bên trong vẫn vì... lợi ích riêng lẻ của từng người?
Chỉ có sự đoàn kết, đồng lòng giữa những người làm bóng đá nước nhà mà cụ thể ở đây là Ban thường vụ của VFF mới mong tìm ra được lộ trình và những biện pháp để lãnh đạo và điều hành tốt hoạt động trong bối cảnh phát triển mới của bóng đá Việt Nam, hướng tới những mục tiêu và giá trị mới. Sẽ là uổng phí nếu bóng đá Việt Nam bỏ qua cơ hội từ “hiệu ứng U23”. Khán giả đã và đang trở lại với sân bóng khi Giải bóng đá vô địch quốc gia V-League 2018 khởi tranh. Việc nâng cao chất lượng cho hệ thống giải đấu chuyên nghiệp (trong đó đáng chú ý nhất là hoạt động của các câu lạc bộ), qua đó tạo sự mới mẻ, chuyên nghiệp từ công tác tổ chức trận đấu tới chất lượng của các “sản phẩm bóng đá” là điều kiện tiên quyết để tạo nên sức mạnh cho các đội tuyển.
Trước mắt, VFF cần chủ động và tích cực hơn trong định hướng phát triển bóng đá ở nhiều địa phương nhằm giúp tháo gỡ các vướng mắc, nhất là cơ chế hoạt động cho bóng đá trẻ và cả bóng đá nữ. Có được những người lãnh đạo xứng đáng và một chương trình hành động đúng đắn vì cái chung thì bóng đá Việt Nam mới thật sự tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ.